image banner

Tin mới






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
THÁNG 7 VỀ TRÊN VÙNG ĐẤT KIÊN CƯỜNG

          Cánh đồng Muối xã Nghĩa Phúc

          Đồng chí Bùi Văn Đề, 60 năm tuổi Đảng là một trong những người đầu tiên đặt chân đến Nghĩa Phúc nhớ lại: Cách đây hơn 54 năm, để chủ động đối phó với âm mưu của địch, ngày 30-6-1961, Huyện ủy Nghĩa Hưng đã xây dựng kế hoạch an ninh mang mật danh “TBK” với mục tiêu tạo lập một “Vành đai cứng” khép chặt tuyến biển. Năm 1963 lực lượng thanh niên đầu tiên trong huyện đã tiến hành khởi công xây dựng con đê biển với chiều dài 3,8km. Năm 1965, con đê hoàn thành với hàng triệu ngày công. Ngày 25-4-1965 Chính phủ đã ra quyết định thành lập xã Nghĩa Phúc, với 295 hộ dân, 1.682 khẩu; công việc chính là sản xuất muối. Thời kỳ thành lập xã cũng là thời điểm đế quốc Mỹ tăng cường các hoạt động do thám, trinh sát và thâm nhập miền Bắc; trong đó vùng cửa sông ven biển là các khu vực trọng điểm leo thang điên cuồng đánh phá của địch. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”! Vừa mới đặt chân lên vùng đất mới, nhưng hơn 1.000 người dân với tinh thần khẩn trương bắt tay ngay vào công việc “mỗi người làm việc bằng hai”, “làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm”, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa dựng nhà. Chỉ sau một thời gian, 295 hộ đã có nhà để an cư lập nghiệp. Ngày 19-5-1965 mẻ muối đầu tiên 1.500kg đã được thu hoạch, đánh dấu sự tồn tại của cuộc sống nơi đây. Bên cạnh sản xuất muối, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức các ngành nghề phụ giải quyết việc làm, tăng thu nhập phục vụ đời sống dân sinh như: đốt vôi, đốt gạch, mua thuyền vận chuyển vật tư, hàng hóa, chuyển muối về kho. Tuy nhiên do nằm sát biển, là nơi “đầu sóng ngọn gió” thiên tai bão lớn thường xuyên xảy ra làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất và đời sống, nhà cửa của nhân dân. Trận bão ngày 18-7-1971 đã làm vỡ 3 quãng đê, nước biển tràn vào nhấn chìm cả xã trong nước mặn, 245 ngôi nhà bị đổ, 11 kho đựng muối của tập thể bị hỏng, 150 tấn muối bị mất, 3ha ruộng muối phải bỏ không sản xuất được. Sau trận bão này nhân dân xã Nghĩa Phúc phải hầu như làm lại từ đầu. Ngoài việc đóng góp sức người, sức của để ứng cứu đê biển, mọi người, mọi nhà không kể đêm tối, mưa to gió lớn sẵn sàng có mặt trên đê để ứng cứu khi xảy ra bão gió.

Diêm dân dùng xe cút kít trở xác máy bay Mỹ

          Đồng chí Trần Văn Roanh, 55 năm tuổi Đảng cho biết: Do địa bàn nằm sát biển, liền kề với cửa sông Ninh Cơ, là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng nên xã Nghĩa Phúc trở thành mục tiêu đánh phá của địch. Đế quốc Mỹ đã dùng nhiều máy bay, tàu chiến trút xuống mảnh đất nhỏ bé này hàng trăm tấn bom đạn, thủy lôi, tàn phá nhà cửa, giết hại dân lành. Những trận đánh phá ác liệt của kẻ thù là những thử thách nghiệt ngã, sống còn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Nghĩa Phúc với truyền thống cách mạng và kiên cường đã thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chiến đấu. Mỗi người dân trong xã là một chiến sĩ, bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương với khẩu hiệu “tay trang, tay súng”. Trận chiến đấu ngày 12-8-1966, chỉ bằng 29 viên đạn súng bộ binh, tổ trực chiến xã Nghĩa Phúc do đồng chí Trần Ngọc Đoàn làm tổ trưởng đã bắn rơi 1 chiếc máy bay A4D của đế quốc Mỹ. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi trên đất Nam Hà và Quân khu 3 bằng súng bộ binh. Từ chiến công này, xã Nghĩa Phúc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; 32 cán bộ, chiến sĩ dân quân được tặng thưởng Huy hiệu Mùng 5 tháng 8. Trận cứu tàu Hải quân ngày 17-4-1967, quân và dân xã Nghĩa Phúc đã bất chấp hiểm nguy, dùng thuyền lao ra biển giữa lúc hàng chục máy bay địch đang quần đảo trên đầu để cứu chiếc tàu Hải quân mang biển hiệu 103 của ta đang bị địch săn đuổi.

Khuân viên Nghĩa trang liệt sỹ xã 

          Trong phục vụ chiến đấu, dân và quân xã Nghĩa Phúc đã đào đắp hàng nghìn công sự hầm gia đình trú ẩn; chi viện hết mình cho tiền tuyến; có 164 thanh niên hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, trong đó, có 61 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường; nhiều người là thương binh, bệnh binh. Trong điều kiện một xã vừa mới được hình thành luôn đối mặt với bão lũ, vỡ đê, phải đương đầu với nhiều trận đánh phá bằng máy bay và tàu chiến của địch, nhưng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Nghĩa Phúc đoàn kết, kiên cường, vừa sản xuất tốt vừa chiến đấu giỏi, lập nhiều chiến công xuất sắc. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Nghĩa Phúc được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 2002, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã Nghĩa Phúc được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân xã Phúc Thắng- Nghĩa Hưng - Nam Định
Địa chỉ:  xóm 2 Xã Phúc Thắng - huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định
Mail: xanghiaphucnh@gmail.com
Điện thoại văn phòng: 0945333780        
Chung nhan Tin Nhiem Mang